Trường hợp nào được chỉ định chụp mạch vành ?

mạch vành

Chụp mạch vành là một phương pháp hiện đại có độ chính xác cao, được sử dụng phổ biến trong chuẩn đoán và điều trị mạch vành. Tuy nhiên, những ai được chỉ định chụp mạch vành? Chụp như thế nào và có nguy hiểm gì không thì không phải bệnh nhân nào cũng đã nắm rõ.

 

Chụp mạch vành là gì ?

Mạch vành là động mạch cung cấp máu cho tim. Chụp mạch vành là thủ thuật nhằm xác định tình trạng mạch vành, qua đó giúp chuẩn đoán các bệnh lý của mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối…

Kỹ thuật chụp động mạch vành được tiến hành với việc sử dụng các ống thông chuyên dụng để đưa thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng, dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối…

Có mấy phương pháp chụp mạch vành ? Ưu nhược điểm của từng loại

Hiện nay có hai phương pháp: Chụp CT động mạch vành đa dãy MSCT và phương pháp chụp động mạch vành qua da.

Chụp CT động mạch vành đa dãy MSCT

Chụp CT động mạch vành có nhiều loại, trong đó loại thấp dãy (máy CT 2 dãy, 16 dãy hoặc 32 dãy) không chụp được mạch vành, mà phải máy CT từ 64 dãy trở lên mới có thể chụp được động mạch vành. Hiện nay đã có những máy chụp CT lên tới 320 dãy, 268 dãy.

Ưu điểm của phương pháp này chi phí rẻ hơn chụp mạch vành qua da và dễ thực hiện, đơn giản hơn. Nhưng đối với những trường hợp cấp cứu cần can thiệp nong, đặt stent luôn thì phương pháp này không thực hiện được.

Do vậy, phương pháp này được các Bác sĩ chỉ định ở những người có khả năng mắc bệnh tắc hẹp mạch vành nhưng không phải trường hợp khẩn cấp.

Chụp động mạch vành qua da

Nếu chụp mạch vành đồng thời can thiệp luôn gọi là chụp động mạch vành qua da. Phương pháp này cần phải luồn ống thông qua da vào động mạch bẹn hoặc là động mạch cổ tay, sau đó luồn vào đến mạch vành tim để chụp và có bơm thuốc cản quang mới có thể xem được hình ảnh của mạch vành. Trong quá trình thực hiện, nếu có đoạn mạch vành nào cần thiết phải đặt stent thì bác sĩ sẽ can thiệp luôn.

Những ai được chỉ định chụp mạch vành ?

Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp mạch vành trong những trường hợp sau đây:

  • Bệnh động mạch vành: Giúp xác định vị trí, mức độ tổn thương của các động mạch vành và đánh giá tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn ở trong lòng mạch. Chụp động mạch vành có thể được dùng kết hợp với phương pháp điều trị mạch vành như nong mạch vành và đặt stent, hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
  • Nhồi máu cơ tim cấp: Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đã ổn định sau nhồi máu cơ tim, mà xuất hiện đau ngực lại thì chụp mạch vành là chỉ định bắt buộc.
  • Đau thắt ngực: Trong trường hợp đáp ứng kém với điều trị nội khoa cũng cần chụp mạch vành.
  • Một số bệnh lý tim mạch khác như rối loạn nhịp thất, rối loạn chức năng thất trái, bệnh van tim…cũng có thể chỉ định chụp động mạch vành để đánh giá tiên lượng bệnh nhân.
  • Xem thêm: Đau thắt ngưc bên trái | Đau tức ngực bên phải

Chống chỉ định tương đối

Những trường hợp chống chỉ định chụp mạch vành bao gồm:

  • Bệnh nhân đang nhiễm khuẩn nặng
  • Có tiền sử sốc với thuốc cản quang hoặc hải sản
  • Bệnh nhân suy thận nặng (chức năng thận <30ml/phút/m2) hoặc có nồng độ creatinine máu cao
  • Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai
  • Thận trọng với bệnh nhân hen suyễn nặng, cường giáp điều trị chưa ổn định.

Quy trình chụp mạch vành

Chuẩn bị bệnh nhân

  • Bệnh nhân cần nhịn ăn 4 giờ trước khi làm thủ thuật
  • Không sử dụng các chất kích thích như chè, cà phê và các thuốc làm ảnh hưởng đến nhịp tim

Các bước tiến hành

Có thể chụp động mạch vành qua 2 đường

  • Chụp động mạch vành qua đường động mạch quay
  • Chụp động mạch vành qua đường động mạch đùi

Chụp mạch vành có nguy hiểm không ?

Phản ứng phụ của chụp mạch vành mà người bệnh có thể gặp phải sau thủ thuật này bao gồm đau ngực nhẹ, tim đập nhanh hơn, bầm tím và sưng ở nơi đặt ống thông, thường ở cổ tay hoặc ở bẹn.

Chụp động mạch vành là một thủ thuật an toàn, rất hiếm khi có biến chứng xảy ra. Một số ít các biến chứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Cháy máu trong và sau khi thực hiện
  • Nhiễm trùng vết mổ hoặc nhiễm trùng máu
  • Sốc phản vệ với thuốc gây tê
  • Dị ứng với thuốc nhuộm mạch
  • Tổn hại thận khi bài tiết thuốc nhuộm ra khỏi máu
  • Rối loạn nhịp tim, thường kết thúc sau khi thực hiện thủ thuật
  • Xuất huyết dưới da
  • Đau tim hoặc đột quỵ.

Phục hồi sau chụp mạch vành

Sau khi chụp mạch vành, bạn có thể xuất viện ngay trong ngày sau một khoảng thời gian ngắn theo dõi. Bạn không được tắm hay lái xe ngay sau thủ thuật và không được ở một mình trong đêm đầu sau thủ thuật.

Đa số các trường hợp chỉ cần một đến ba ngày để bình phục hoàn toàn. Mặc dù, người bệnh sẽ hơi mệt mỏi sau thủ thuật, nhưng sẽ phục hồi nhanh chóng. Vết rạch sẽ lành sau một tuần.

Nếu bạn được chỉ định chụp mạch vành thì không nên quá lo lắng, bởi cho đến nay đây vẫn được xem là phương pháp an toàn và hiệu quả, để chuẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch.