Nhịp tim trung bình của người bình thường là bao nhiêu ?

tim mạch

Đã bao giờ bạn được đo nhịp tim hay đo huyết áp, đến khi thấy kết quả nhịp tim của mình thì không biết như vậy có bình thường hay không ? Vậy nhịp tim trung bình là bao nhiêu và khi nào thì gọi là rối loạn nhịp tim ?

 

Nhịp tim trung bình của người bình thường là bao nhiêu ?

Nhịp tim trung bình của người bình thường sẽ rơi vào khoảng 60-100 nhịp/phút. Các chuyên gia cho rằng một trái tim khỏe mạnh sẽ có nhịp đập từ 60-80 nhịp/phút. Nhưng cũng có những trường hợp một số người nhịp tim chậm hơn hoặc nhanh hơn một cách tự nhiên.

Khi tuổi càng cao thì nhịp tim sẽ thường thay đổi và đó là dấu hiệu của sự thay đổi sức khỏe. Ở những người lớn tuổi hay mắc các bệnh lý của người cao tuổi thì nhịp tim không ổn định, lúc tăng lúc giảm, đặc biệt là khi vận động hoặc bị sốc tinh thần.

Trong trường hợp nhịp tim khi nghỉ ngơi ở mức độ dưới 40 nhịp/phút hoặc trên 120 nhịp/phút thì bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra đề phòng những dấu hiệu bất thường.

Lý do nhịp tim đập nhanh hoặc chậm

Lý do nhịp tim đập nhanh

Có nhiều lý do khiến nhịp tim của người bình thường đập nhanh như tập thể dục, uống nhiều đồ uống có caffein, hay khi cơ thể bị ốm sốt hoặc bị cường tuyến giáp. Những người sử dụng chất kích thích như ma túy cũng khiến cho nhịp tim đập nhanh hơn bình thường. Đặc biệt trong trường hợp cảm thấy căng thẳng và lo lắng sẽ khiến nhịp tim của bạn nhanh hơn bình thường.

Lý do nhịp tim đập chậm

Trái tim như một khối cơ nên khi tập luyện thể dục nó sẽ càng khỏe. Chính vì vậy khi bạn càng khỏe thì nhịp tim lúc nghỉ ngơi sẽ càng chậm. Ví dụ như một vận động viên điền kinh có nhịp tim khi nghỉ dưới 40 nhịp/ phút.

Cơ tim khỏe hơn nên nhịp tim chậm hơn và mỗi nhịp đập đều đặn như vậy vẫn đảm bảo đẩy máu đầy đủ đi nuôi khắp cơ thể.

Nhịp tim như nào là bất thường?

Rối loạn nhịp tim là căn bệnh tim phổ biến xảy ra do tần số hoặc nhịp tim bất thường như tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Bệnh thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới (nam chiếm 70%, nữ chiếm 30%).

Khi xung động điện ở tim hoạt động bất thường sẽ gây ra rối loạn nhịp tim và nó được chia ra thành các dạng:

  • Theo tần số: Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm.
  • Hoạt động của tim không ổn định: Lúc nhanh lúc chậm, lúc đập quá sớm…
  • Rối loạn vị trí: Loạn nhịp bắt nguồn trong tâm thất hoặc tâm nhĩ.
  • Mức độ thường xuyên hay đôi khi….

Đối tượng nào nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gặp ở cả hai giới, tuy nhiên theo các nghiên cứu thống kê thì bệnh lý rối loạn nhịp gặp nhiều hơn ở các đối tượng sau:

  • Tuổi trên 60
  • Người bệnh tăng huyết áp
  • Bệnh động mạch vành
  • Suy tim
  • Bệnh lý van tim
  • Tiểu sử phẫu thuật tim mở
  • Ngừng thở khi ngủ
  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Đái tháo đường
  • Bệnh phổi mạn tính
  • Lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích
  • Tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý nội ngoại khoa nặng tuổi trên 60

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim như: Rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress, lao động gắng sức, sử dụng nhiều các chất kích thích như rượu chè, cà phê, thuốc lá….

Bên cạnh đó tác động của một số bệnh lý về tim mạch như: Thiếu máu cơ tim, các bệnh về van tim, viêm cơ tim, tim bẩm sinh…cũng làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và gây ra rối loạn.

Ngoài ra, rối loạn nhịp tim có thể gặp từ các bệnh lý, nguyên nhân khác: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp bệnh viêm phổi – phế quản cấp hay mạn tính, thiếu máu, rối loạn cân bằng kiềm – toan và điện giải, do thuốc (có nhiều thuốc gây nên rối loạn nhịp tim, đặc biệt các nhóm thuốc gây kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ ; Đồng thời chính các thuốc rối loạn nhịp tim đôi khi lại là thủ phạm gây nên rối loạn nhịp tim).

Người cao tuổi cẩn thận với nguy cơ cao rối loạn nhịp tim

Nhịp tim được điều khiển bởi nút xoang. Theo đó, nút xoang, làm nhiệm vụ làm chủ nhịp và xung động sẽ lan khắp cơ tim qua hệ thống dẫn truyền, giúp cho bốn buồng hoạt động nhịp nhàng, phối hợp cùng nhau như một thể thống nhất.

Tuy nhiên, khi lớn tuổi, sự lão hóa sẽ khiến nút xoang và hệ thống dẫn truyền bị xơ hóa; ngoài ra cấu trúc của tim cũng sẽ bị biến đổi làm con đường dẫn truyền không còn được nguyên vẹn, hệ quả là xảy ra rối loạn nhịp tim.

Mặt khác, hệ tuần hoàn nuôi tim lâu ngày bị xơ vữa, chai cứng cũng làm ảnh hưởng đến sự dinh dưỡng của nút xoang và hệ dẫn truyền. Kết quả của sự suy yếu này làm tần số tim bị chậm hơn, tim đập không đều hay xảy ra những tắc nghẽn trên đường dẫn truyền.

Hơn thế nữa, các ổ nhịp khác được bộc lộ ra, lấn át vai trò chủ nhịp của nút xoang, khiến nhịp tim đập quá nhanh và không kiểm soát được, dễ dẫn đến đột tử.

Xem thêm: Bệnh Cao huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Phương pháp lấy lại nhịp tim chuẩn?

Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa trị, giúp bệnh nhân có thể lấy lại nhịp tim chuẩn ban đầu. Tùy thuộc vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định một phương án thích hợp, theo những nguyên tắc điều trị chung, đó là:

  • Loại bỏ những tác nhân thủ phạm gây ra loạn nhịp như thuốc hoặc chất kích thích.
  • Điều trị tốt các bệnh lý nền: Bệnh tim mạch, đái tháo đường, cường giáp…
  • Sử dụng thuốc chống loạn nhịp theo phác đồ mới nhất
  • Áp dụng những nghiệm pháp làm giảm nhịp tim, bao gồm: gây cường phó giao cảm, (bằng cách ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu), hay nghiệm pháp Valsalva…
  • Trong trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hoặc không thể đáp ứng điều trị nội khoa, mức nhịp tim chuẩn không đạt được, thì các phương pháp can thiệp khác có thể được áp dụng, chẳng hạn như đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim, đốt điện sinh lý, phẫu thuật tim…

Bệnh nhân rối loạn nhịp tim cần làm gì?

Bệnh nhân rối loạn nhịp tim muốn lấy lại nhịp tim bình thường, ngoài việc đến khám và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cần thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Thay đổi hoặc từ bỏ những thói quen xấu (rượu bia, thuốc lá), điều này sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình trạng rối loạn nhịp tim.
  • Ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch, bao gồm: rau xanh, cá (cá hồi, cá thu…) hạn chế mỡ động vật và nguồn cholesterol (trứng, sữa béo…)
  • Tăng cường luyện tập thể chất.
  • Cân bằng công việc, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.
  • Cai thuốc lá là một trong những cách giúp trái tim tìm lại nhịp đậm bình thường