Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hở van tim

Bệnh hở van tim là những tổn thương làm thay đổi cấu trúc van và làm cho van không đóng hoặc mở ra như bình thường. Cho dù là hẹp hay hở  thì bệnh van tim đều gây ảnh hưởng xấu đến chức năng bơm máu của tim.

 

Bệnh hẹp hở van tim là gì?

Van tim được ví như những cánh cửa đóng và mở nhịp nhàng giúp máu chảy qua các buồng tim theo một chiều nhất định. Bệnh van tim xảy ra khi một hay nhiều van tim bị hẹp hở hoặc đóng mở không đúng cách. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, lâu dài sẽ gây mệt mỏi, khó thở, đau ngực, thậm chí suy tim.

Nguyên nhân gây bệnh van tim là gì?

Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh van tim. Bao gồm các dị tật tim bẩm sinh, nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc), chấn thương van, bệnh cơ tim hoặc một số bệnh tim mạch khác, điển hình như thấp tim.

– Dị tật bẩm sinh: Điều này có nghĩa là van bị lỗi ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu.

– Bệnh cơ tim (cardiomyopathy): Có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình phát triển, như sốt do virus hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim và gây hở van.

– Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim làm tổn thương dây chằng van 2 lá và gây hở van.

– Tuổi cao: Khi có tuổi, van trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van (vôi hóa van tim) làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.

– Bệnh thấp khớp do liên cầu khuẩn: thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5 đến 15 tuổi. Thấp tim làm cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay khít hẹp lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây hẹp – hở van (bệnh van tim hậu thấp).

– Một số bệnh khác: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, hoặc một số thuốc, phương pháp điều trị (bức xạ) cũng có thể gây hẹp, hở van tim.

– Sa van hai lá: Sa van hai lá xảy ra khi van nằm giữa buồng tim trên và buồng tim dưới bên trái đóng không đúng cách, nó lồi lên vào trong buồng tim phía trên (nhĩ trái).

Các triệu chứng nhận biết bệnh van tim

Những người bị bệnh van tim nhẹ thường không có triệu chứng. Người bệnh có thể chỉ biết mình mắc bệnh khi siêu âm tim hoặc bác sỹ nghe thấy tiếng thổi tim bằng ống nghe. Điều này là do tim cơ cơ chế bù trừ bằng cách giãn rộng giúp đảm bảo đủ lượng máu đi nuôi tim.

Tuy nhiên, khi tình trạng hẹp, hở van tiến triển nặng hơn, đặc biệt là với van động mạch chủ, các dấu hiệu sẽ bộc lộ rõ ràng hơn. Một số triệu chứng bệnh van tim thường gặp là:

– Khó thở: Bạn có thể cảm nhận được điều này khi hoạt động gắng sức hoặc khi nằm ngửa.

– Mệt mỏi, choáng ngất: Bạn có thể bị mệt mỏi ngay cả khi làm các công việc hàng ngày. Chóng mặt, choáng ngất có thể xảy ra khi tiến triển của bệnh nặng lên.

– Đánh trống ngực: Hồi hộp, kèm theo cảm giác lo lắng có thể xảy ra. Khi đó tim bất chợt đập nhanh hơn bình thường, cũng có khi nó bỏ qua 1 vài nhịp.

– Đau thắt ngực (đau tim) – Thường gặp khi bị hẹp van động mạch chủ, bởi vì tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu từ trái tim đi nuôi cơ thể.

– Phù mắt cá chân hoặc bàn chân.

 Biến chứng, hậu quả của hẹp hở van tim

Khi van tim bị hẹp/hở nhiều, đặc biệt là van động mạch chủ, bạn có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm. Đáng chú ý nhất là suy tim. Van tim đóng mở không đúng cách sẽ khiến tim phải làm việc gắng sức hơn để đảm bảo lượng máu đi nuôi cơ thể. Lâu dài, tim bị quá tải, cơ tim giãn và chức năng tim suy giảm.

Ngoài suy tim, hẹp hở van tim còn có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, tăng áp động mạch phổi, hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Cách điều trị, phòng bệnh van tim

Cách điều trị

Hẹp hay hở van tim đều có thể điều trị bằng 2 phương pháp chính là dùng thuốc và can thiệp/ phẫu thuật sửa van, thay van. Những phương pháp này sẽ được lựa chọn dựa trên nguyên nhân, triệu chứng, mức độ hẹp hở van và khả năng co bóp của tim..

Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị sẽ giúp làm giảm các triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim và làm chậm tiến triển của bệnh. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bạn sử dụng một hay nhiều các loại thuốc sau:

– Thuốc lợi tiểu: giúp giảm sự tích tụ của các chất lỏng trong phổi, làm bạn có thể thở dễ dàng hơn. Đồng thời nó cũng giúp giảm phù nề ở bàn chân và mắt cá chân.

– Thuốc ức chế men chuyển ACE: sẽ giúp hạ huyết áp và giảm tải cho tim.

– Thuốc chẹn Beta giao cảm: làm tim đập chậm hơn, giúp kiểm soát nhịp tim và hạ huyết áp

– Các Digitalis: Giúp ổn định nhịp tim của và giúp tăng sức bóp của cơ tim

– Thuốc giãn mạch: làm máu lưu thông dễ dàng hơn

– Thuốc chống đông: Ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt là khi bạn đã phẫu thuật van tim hoặc từng thay van bằng vật liệu tổng hợp.

Can thiệp ngoại khoa

 Phẫu thuật tim hở hay can thiệp tim qua da, sẽ được bác sỹ quyết định dựa trên mức độ tổn thương van và mức độ ảnh hưởng đến chức năng tim. Thông thường các trường hợp hở nặng, dùng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân có triệu chứng suy tim (ho, phù, khó thở, mệt, đau ngực) hay rung nhĩ sẽ phải can thiệp, phẫu thuật.

Có hai loại phẫu thuật van tim là sửa van hoặc thay van:

– Sửa chữa van tim: Phương pháp này đơn giản hơn thay van tim vì tổn thương ít hơn, chi phí điều trị thấp hơn và hạn chế được nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật.

– Thay thế van tim: Khi không còn khả năng sửa chữa, các bác sĩ sẽ thay chúng bằng van tim cơ học hoặc van tim sinh học. Van sinh học sẽ không phải dùng thuốc chống đông suốt đời tuy nhiên tuổi thọ của van sẽ kém hơn van cơ học.

Phòng bệnh hẹp hở van tim

Khi bạn mắc bệnh van tim hoặc có van tim đã được sửa chữa, thay thế, để bảo vệ mình khỏi các biến chứng trong tương lai, bạn cần:

  • Duy trì một chế độ ăn lành mạnh.
  • Việc uống đủ nước mỗi ngày cũng rất tốt cho tim. Nhưng thay vì các đồ uống chứa cồn hay nhiều đường, bạn nên chọn nước lọc, trà thảo mộc.
  • Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày hoặc 5 ngày/tuần.
  • Nói với nha sĩ về bệnh của bạn, trong mỗi lần khám, chữa bệnh.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng như viêm họng, sốt, đau nhức mình mẩy cần được điều trị chống nhiễm trùng.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên, loại bỏ cao răng, chăm sóc tốt răng và nướu răng của bạn.
  • Dùng thuốc kháng sinh trước khi làm các thủ thuật có thể gây chảy máu.
  • Tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Các câu hỏi thường gặp

Bệnh hở van tim nên ăn gì?

  • Trái cây và rau củ
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Các loại đậu
  • Sữa chua hoặc các loại sữa ít chất béo
  • Chất béo chưa no- nguồn chất béo lành mạnh cho người hở van tim
  • Các loại thịt gia cầm bỏ da

Bệnh hở van tim không nên ăn gì?

  • Cà phê, trà
  • Socola
  • Rượu
  • Bánh kẹo ngọt, nước ngọt, đồ uống có gas
  • Thực phẩm chứa nhiều muối